Đau RăngMột vấn đề phổ biến và thách thức


Đau Răng - Một vấn đề phổ biến và thách thức

Đau là một trải nghiệm phức hợp bao gồm một cảm giác đặc trưng và các phản ứng với cảm giác đó.  Đau hàm mặt là cảm giác đau khu trú phía trên cổ, phía trước tai và bên dưới đường hốc mắt-lỗ tai, bao gồm cả vùng trong khoang miệng. Cứ sáu người bệnh thì có một người thuật lại với nha sỹ về triệu chứng đau hàm mặt trong vòng một năm trước đó. Mặc dù tỷ lệ gặp đau răng là tương đối cao, kế hoạch chẩn đoán và điều trị vẫn còn là một vấn đề thách thức. Bên cạnh đau cấp tính, một vấn đề thường gặp tại các phòng khám nha khoa, đau mạn tính (kéo dài trên 3 tháng) cũng có thể xảy ra.

Nguyên nhân

Không thực sự nhiều nguyên nhân dẫn đến đau răng; tuy nhiên, việc chẩn đoán có thể gặp khó khăn do khó xác định vị trí vì sự quy tụ của dây thần kinh ở vùng hàm mặt. Ba nguyên nhân chính dẫn đến đau răng là viêm tuỷ răng, hội chứng nứt răng, và tăng nhạy cảm men răng.

Viêm tủy răng là tình trạng viêm tại vị trí tủy răng. Viêm làm tăng áp lực trong buồng tủy, vốn là một vùng không đàn hồi. Kết quả là áp lực cao và các chất trung gian gây viêm sẽ hoạt hoá các cảm thụ đau của tủy và gây đau. Áp lực buồng tuỷ tăng lên mà không được điều trị có thể gây ứ máu tĩnh mạch, nhiễm trùng và hoại tử mô, từ đó dẫn đến những tổn thương vĩnh viễn. Đau do viêm tủy răng trong giai đoạn có thể hồi phục thường được mô tả là đau nhói như dao đâm hoặc đau đột ngột khi tiếp xúc với các kích thích nóng, lạnh hoặc đồ ngọt, và thường hết ngay sau khi loại bỏ tác nhân kích thích. Viêm tủy răng không hồi phục có xu hướng đau âm ỉ và nhức nhối, kéo dài sau khi đã loại bỏ tác nhân kích thích  – điều này cho thấy sự hoại tử của tủy. Một ổ viêm và nhiễm trùng tiến triển qua chân răng được gọi là một ổ áp xe.

Sự tăng nhạy cảm men răng gây ra do sự bộc lộ bề mặt của men răng. Men răng bình thường có một mức độ nhạy cảm nhất định, các hoạt động hàng ngày thường không dẫn đến cảm giác đau. Đặc điểm của đau do tăng nhạy cảm men răng là đau đột ngột trong một thời gian ngắn. Nguyên nhân là do sự dịch chuyển của dịch ống ngà để đáp ứng với sự thay đổi về áp suất thẩm thấu hoặc nhiệt độ. Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tăng nhạy cảm men răng là các biện pháp tẩy trắng răng, thói quen nghiến răng, tình trạng tụt lợi và mất men do trào ngược axit dịch vị.

Hội chứng nứt răng là tình trạng nứt răng bán phần, liên quan đến men răng có hoặc không có sự liên quan của tủy răng. Một dấu hiệu kinh điển của hội chứng nứt răng là đau khi ăn nhai. Cảm giác đau này thuyên giảm ngay khi giảm bớt áp lực cắn. Biểu hiện này thường xuất hiện khi ăn hoặc khi gặm đầu bút chì hoặc đầu ống hút.

Khi nào cần gặp bác sĩ

Bệnh nhân nên được khuyên đi khám nếu đau răng có kèm theo sốt, ớn lạnh, hoặc phát ban – các dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu đau do nguyên nhân chấn thương vùng mặt hoặc đầu, bệnh nhân cũng nên được khuyên nên tới gặp bác sỹ. Trường hợp khó nuốt, đau nhiều hoặc chảy máu, đau răng kéo dài trên 2 ngày cũng nên được hướng dẫn tới cơ sở khám chữa bệnh. Người bệnh cần đi khám ngay lập tức nếu có biểu hiện đau hàm xuất hiện cùng với đau ngực, điều này có thể gợi ý đến nhồi máu cơ tim.

Chẩn đoán

Nha sỹ sẽ khai thác tiền sử bệnh và tiến hành thăm khám. Một số xét nghiệm có thể được thực hiện nếu cần thiết. Tiền sử bệnh sẽ xác định các chi tiết như vị trí đau, tính chất đau, tần suất, độ dài cơn đau, sự khởi phát, sự tiến triển, sự thuyên giảm, mức độ nghiêm trọng và hướng lan. Khám lâm sàng gồm các vị trí lưỡi, niêm mạc miệng, sàn miệng, vòm khẩu cái, răng và mô nha chu, amidan, khớp thái dương hàm, khí quản, tai, tuyến nước bọt và hạch bạch huyết. Các xét nghiệm khác bao gồm kiểm tra độ nhạy cảm của tủy, test gõ răng, thăm dò, kiểm tra sự di động, bắt mạch, và chụp X quang.

Điều trị tại nhà

Thuốc giảm đau không kê đơn, như acetaminophen (APAP), ibuprofen, và naproxen có thể được sử dụng, cũng như thuốc gây tê tại chỗ như Anbesol và Orajel. Đau răng có một số biện pháp điều trị tại nhà được trình bày ở bảng bên.

Các biện pháp chữa đau răng tại nhà

Biện pháp

Đặc điểm

Chải răng với muối và tiêu Kháng khuẩn, kháng viêm và giảm đau
Tỏi Kháng sinh
Cây đinh hương Kháng sinh, kháng viêm, chống oxy hóa, gây tê
Hành Kháng khuẩn
Nước muối ấm Kháng khuẩn, kháng viêm và giảm đau
Lá ổi Kháng viêm, giảm đau, kháng khuẩn
Chiết xuất vani Gây tê
Cỏ lúa mì Kháng khuẩn

 

Chữa bệnh

Nha sĩ có thể phải làm vệ sinh sâu, trám, chữa tủy, bọc hoặc nhổ răng. Nếu nghi ngờ nhiễm trùng, người bệnh sẽ được kê toa kháng sinh. Vấn đề còn lại là giải quyết cơn đau.

Thuốc giảm đau opioid và không opioid thường được sử dụng cho đau răng. Khi sử dụng ở liều thông thường, thuốc giảm đau không opioid, bao gồm APAP và thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), đã cho thấy hiệu quả tương đương, nếu không nói là vưở trội hơn so với thuốc giảm đau opioid trong điều trị đau răng.

NSAIDs có hiệu lực giảm đau và hạ sốt mạnh hơn so với chống viêm. Cần dùng liều cao hơn để đạt được tác dụng chống viêm. Không có NSAID nào cho thấy  hiệu quả vượt trội hơn hoặc an toàn hơn các NSAID còn lại. Các chất ức chế chọn lọc COX-2 như celecoxib làm giảm tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa khi dùng trong thời gian ngắn, nhưng lợi ích này sẽ mất đi khi dùng thuốc kéo dài. Nhìn chung, ibuprofen là một lựa chọn đầu tay hợp lý nhờ tỷ lệ gặp dụng không mong muốn thấp và tính hiệu quả. Chống chỉ định sử dụng NSAIDs ở những bệnh nhân bị bệnh thận, loét tiêu hóa, rối loạn chảy máu, dị ứng hoặc không dung nạp NSAIDs, những người bệnh đang sử dụng thuốc chống đông. Trong các trường hợp đó, APAP là sự lựa chọn hợp lý. APAP có hiệu quả giảm đau và hạ sốt tương đương với aspirin, nhưng kém hơn ibuprofen và các NSAID khác. Phối hợp giữa một NSAID và APAP cho hiệu quả giảm đau tốt hơn so với đơn trị liệu. Thêm vào đó, điều trị với NSAIDs, APAP, hoặc dạng kết hợp cho hiệu quả tốt hơn khi sử dụng đều đặn trong ngày, so với việc dùng khi đau.

Nếu cơn đau vẫn tiếp diễn sau đã tối ưu hoá việc sử dụng NSAID hoặc APAP, hoặc dạng phối hợp, cần sử dụng thêm một opioid. Các chế phẩm kết hợp của oxycodon và APAP hoặc hydrocodon và APAP thường được sử dụng; tuy nhiên, liều opioid có thể được tối ưu hoá tốt hơn khi kê đơn từng thuốc riêng biệt, vì opioid không có mức liều trần giống như NSAIDs và APAP.

Phòng bệnh

Sâu răng là một nguồn gốc chính gây đau răng. Bệnh nhân nên được tư vấn tuân thủ các phương pháp vệ sinh răng miệng tốt, bao gồm đánh răng bằng kem đánh răng có chứa fluor, dùng chỉ nha khoa hai lần một ngày, sử dụng nước súc miệng sát khuẩn và khám nha khoa định kỳ một năm hai lần để được thăm khám và vệ sinh răng miệng bởi chuyên gia.


Người dịch: SVD2.Trần Nữ Trà My; SVD2.Hoàng Thị Ngọc Duyên; SVD3.Đoàn Phước Hiếu

Hiệu đính: DS. Đỗ Ngọc Trâm

Nguồn: http://www.pharmacytimes.com/publications/issue/2016/august2016/dental-pain-highly-prevalent-and-challenging