VITAMIN D LÀM GIẢM NGUY CƠ ĐÁI THÁO DƯỜNG TYPE 2

CLB Sinh Viên Dược Lâm Sàng – CPC


VITAMIN

Dựa theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PLOS ONE, sự thiếu hụt vitamin D có thể làm gia tăng nguy cơ mắc Đái tháo đường type 2.

Công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học California (UC), Trường Y khoa San Diego và Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, không phải là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên quan giữa nồng độ vitamin D trong máu cao trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.

Tuy nhiên, như những lưu ý trong bài báo, các tác giả giải thích rằng bằng các bằng chứng còn có sự lộn xộn và tác giả bỏ qua lượng vitamin D trong máu ở mức “cao hơn bình thường”.

Cơ thể chúng ta cần vitamin D để hấp thu canxi trong quá trình tiêu hóa, cũng như cung cấp canxi và phosphate qua máu để thúc đẩy quá trình tạo xương và duy trì xương khỏe mạnh.

Vitamin D cũng rất quan trọng cho sự phát triển của tế bào, cơ bắp; chống nhiễm trùng và giảm viêm.

Chúng ta cần bao nhiêu vitamin D?

Cơ thể lấy vitamin D từ một vài thực phẩm tự nhiên, thực phẩm tăng cường, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng và từ hoạt động phơi nắng. Một khi ở trong cơ thể, vitamin cần trải qua một số thay đổi hóa học để trở nên có hoạt tính.

Về mặt sinh học, gan là nơi sản xuất chính của vitamin D; nó chuyển dạng không hoạt tính thành dạng hoạt tính gọi là 25-hydroxyvitamin D (25 [OH] D).

Nồng độ 25 (OH) D trong máu, hay còn gọi là “nồng độ trong huyết thanh”, được coi là “chỉ số tốt nhất để đánh giá về tình trạng vitamin D”.

Hiện nay, có nhiều cuộc tranh luận về nồng độ lý tưởng của 25(OH)D để phòng tránh bệnh và đảm bảo sức khỏe tối ưu.

Viện Y học (IOM) cho rằng 20 nanogram/ml là “thích hợp cho xương và sức khỏe tổng thể ở những người khỏe mạnh”. Các nhà nghiên cứu khác lại lập luận rằng nồng độ giới hạn nên cao hơn, ít nhất là khoảng 50 nanogram/ml.

Các nhà nghiên cứu đứng sau nghiên cứu này bao gồm Cedric F. Garland, một giáo sư trợ giảng tại Khoa Y học gia đình và Y tế công cộng tại UC, Trường Y khoa San Diego – đã xác định  “phạm vi bình thường” là 30 nanogram trên mililít – có nghĩa là cao hơn 10 đơn vị so với đề xuất của IOM.

Nồng độ vitamin D càng thấp, nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 càng cao

Giáo sư Garland và các cộng sự đã tiến hành khảo sát trên 903 người lớn khỏe mạnh – ở độ tuổi trung bình là 74 – những người đã được chọn vào nghiên cứu Rancho Bernardo.

Không ai trong số những người tham gia mắc bệnh đái tháo đường hoặc tiền đái thào đường sau khi đã trải qua các cuộc kiểm tra và điền vào bảng câu hỏi trong suốt quá trình nghiên cứu diễn ra trong khoảng thời gian 1997-1999.

Trong những lần thăm khám này, họ cũng được cho tiến hành xét nghiệm máu, từ kết quả đó các nhà nghiên cứu có thể đánh giá nồng độ vitamin 25 (OH) D của những người tham gia và các marker khác.

Sau khi kết thúc giai đoạn theo dõi năm 2009, nghiên cứu đã phát hiện ra 47 trường hợp mắc đái tháo đường type 2 và 337 trường hợp tiền đái tháo đường (tình trạng trong đó nồng độ đường trong máu cao hơn bình thường nhưng không đủ cao để được phân loại là đái tháo đường).

Kết quả cho thấy nguy cơ tiến triển bệnh đái tháo đường type 2 ở những người có nồng độ 25 (OH) D thấp hơn 30 nanogram/ mililít cao gấp 5 lần so với những người có nồng độ cao hơn 50 nanogram / ml.

Giáo sư Garland cho rằng để đạt được nồng độ 25 (OH) D trong máu là 30 nanogram/ml, người ta sẽ phải hấp thu từ 3.000 đến 5.000 UI vitamin D mỗi ngày. Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 10-15 phút mỗi ngày vào khoảng giữa trưa có thể làm giảm lượng này.

Ông và các cộng sự của mình, lưu ý về “những vấn đề đáng quan tâm nhưng chưa được giải quyết”: liệu 25 nanogram /ml có phải là nồng độ vitamin D “mong muốn” hay không? Tuy nhiên, họ vẫn gợi ý một cách không dứt khoát rằng lượng Vitamin D không nên nhỏ hơn 40 nanogram/ml.

Vitamin D và cơ chế bệnh sinh đái tháo đường

Các tác giả trích dẫn một số nghiên cứu, dựa trên các cơ chế bệnh sinh có thể giải thích tại sao với lượng vitamin D cao hơn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Một nghiên cứu được thực hiện trên chuột, cho thấy việc thiếu thụ thể vitamin D được cho là nguyên nhân làm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao hơn (thụ thể là một tế bào protein nhận các tín hiệu hóa học riêng biệt trong môi trường của tế bào).

Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng các tế bào sản sinh ra insulin trong tuyến tụy có các thụ thể vitamin D và các chất chuyển hóa của vitamin D trong cơ thể có khả năng kích thích tuyến tụy sản xuất insulin.

Họ cũng chỉ ra những nghiên cứu khác trên các loài động vật, đã chứng minh rằng “các chất chuyển hóa có hoạt tính của vitamin D” có thể bảo vệ các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy khỏi những tác nhân dẫn đến tình trạng viêm và sự chết theo chương trình của tế bào.

Trong những phát biểu kết luận của họ, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nghiên cứu của họ vẫn tồn tại một số hạn chế.

Một điều rõ ràng là nhóm khảo sát mà họ tiến hành nghiên cứu không đại diện được cho người dân Hoa Kỳ: gồm “những người da trắng có sức khoẻ trung bình và trên mức trung bình”, tất cả đều có “tiếp cận tốt với vấn đề chăm sóc sức khỏe” và sống ở những nơi có “thời tiết nắng quanh năm.”

Một hạn chế khác của nghiên cứu này là nồng độ vitamin D cao hơn có thể do sự khác biệt trong kỹ thuật của phòng thí nghiệm.

“Cần nghiên cứu sâu hơn về việc liệu nồng độ 25-hydroxyvitamin D cao có thể ngăn ngừa bệnh đái thào đường type 2 hay quá trình tiến triển từ tiền đái tháo đường sang bệnh đái tháo đường hay không.” – Giáo sư Cedric F.Garland


Người dịch: SVD3. Trần Lê Khánh Nhung – DS. Nguyễn Ngọc Oanh

Nguồn: https://www.medicalnewstoday.com/articles/321576.php